Tìm giải pháp làm sạch nguồn nước tại TP.HCM

Việc cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch đòi hỏi chúng ta phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp.
 
Ở kỳ trước của chuyên mục Môi trường, báo Pháp Luật TP.HCM đã đề cập đến vấn đề ô nhiễm kênh rạch được trình bày tại hội thảo Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM. Chương trình do Sở TN&MT TP.HCM, Sở KH&CN, Viện MT&TN phối hợp báo SGGP tổ chức.
Gia tăng dân số, suy giảm chất lượng nước


Ngoài những thông tin về tình hình ô nhiễm chung trên địa bàn TP, hội thảo đã đưa ra trường hợp điển hình, cụ thể là quận Thủ Đức. Đây cũng là phần trình bày của TS Nguyễn Thị Thanh Phương thuộc Viện MT&TN.


Thủ Đức nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Tổng diện tích đất sông ngòi, rạch trên địa bàn quận hơn 423 ha với 60 hệ thống kênh rạch lớn nhỏ. Về hệ thống kênh rạch nội đồng trên địa bàn quận có hai con suối là Cái Nhum và Xuân Trường phía đông bắc (phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Chiểu) ở vùng cao chảy xuống vùng thấp. Còn khu vực phía tây nam có mật độ hệ thống kênh rạch khá dày, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều.


Nằm ở cửa ngõ ra vào phía đông TP.HCM, Thủ Đức có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Kéo theo đó là sự gia tăng dân số và suy giảm chất lượng nước kênh rạch. Mặc dù trong thời gian qua quận đã ban hành, thực thi các chính sách về kiểm soát và xử phạt nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Theo kết quả quan trắc chất lượng nước 2013-2014, đa số các kênh rạch trên địa bàn quận đều bị ô nhiễm, chủ yếu tại các rạch Cầu Trắng 1, Cầu Trắng 2, rạch Bình Thọ, rạch Thủ Đức, suối Nhum và suối Cái.


Chất lượng nước kênh rạch tại quận Thủ Đức chịu tác động của các chất thải phát sinh từ hoạt động kinh tế-xã hội. Trong đó, nguồn ô nhiễm chính là do tải lượng ô nhiễm của nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý triệt để. Khi xả ra kênh rạch, chúng đã làm gia tăng mức độ tích lũy chất ô nhiễm trong nguồn nước. Một nguyên do khác là các hộ dân còn trút xuống kênh và khu vực hai bên bờ một lượng rác thải khá lớn.


Ngoài nguyên nhân chủ quan do con người gây ra, mạng lưới kênh rạch chằng chịt, chế độ bán nhật triều không đều gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự chuyển tải các chất bẩn, gia tăng thêm mức độ ô nhiễm do việc ứ đọng rác thải vào những giờ triều cường.
 
Kết hợp chặt chẽ các giải pháp


Từ trường hợp điển hình tại quận Thủ Đức, TS Phương chia sẻ những giải pháp trong dài hạn và ngắn hạn nhằm góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm kênh rạch. Cụ thể, việc giảm thiểu ô nhiễm nước kênh rạch nên dựa vào cộng đồng. Đồng thời bổ sung chức năng tự quản về môi trường cho tổ dân phố, phát huy vai trò của họ trong tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, nhất là các hộ sống ven kênh rạch không xả rác, nước thải vệ sinh, chăn nuôi heo chưa qua bể tự hoại.


Một giải pháp khác là điều tra khảo sát, vận động, khuyến khích các hộ dân xây bể tự hoại đối với nhà vệ sinh, chất thải nuôi heo. Cách làm này cho phép giảm 60% nồng độ ô nhiễm đối với thông số BOD5 và 40% với thông số COD (*). Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục xử phạt, cưỡng chế thi hành pháp luật, khuyến khích các cơ sở đầu tư, thực hiện tốt các quy định xây dựng, đưa vào hoạt động kịp thời hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Ngoài ra, cần tăng cường biện pháp quản lý, đăng ký hồ sơ xả thải vào nguồn nước kết hợp với biện pháp thanh tra, giám sát, kiểm tra các công trình xử lý nước thải; áp dụng cơ chế hợp tác liên phường, liên quận, liên tỉnh ở các vùng giáp ranh để giảm nguy cơ ô nhiễm chất lượng nước…


Về lâu dài, cần tăng năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nước mặt; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt, đấu nối vào hệ thống thu gom và xử lý chung của TP theo quy hoạch; nâng cao mạng lưới thu gom rác; ưu tiên đầu tư cho công tác xử lý cấp bách tình trạng ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước kênh rạch như hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt; tăng cường công tác nạo vét kênh rạch đã bị ô nhiễm, xây dựng bờ kè…

 

(*)  BOD5: Nhu cầu ôxy sinh hóa hay nhu cầu ôxy sinh học; COD: Nhu cầu ôxy hóa học. 


NGỌC CHÂU ghi nhận
Nguồn: plo.vn
Sưu tầm: Thị Hường - P. KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo