Vận dụng các công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế và Việt Nam

Ths. Nguyễn Thanh Phương 
Đại học Thương mại


Để đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường có nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp phải chủ động lựa chọn những giải pháp hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng của các tác động tiêu cực, một trong những giải pháp quan trọng mà các doanh nghiệp lựa chọn là việc sử dụng các công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này tại Việt Nam cũng còn nhiều điểm bất cập, trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến sử dụng các công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro và hoạt động kế toán phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế và thực tế vận dụng tại Việt Nam, với mong muốn để các doanh nghiệp hiểu và vận dụng tốt trong hoạt động kinh doanh.

 

Theo IAS39, ba yếu tố của phòng ngừa rủi ro là: (i) các khoản mục được phòng ngừa rủi ro, (ii) công cụ phòng ngừa rủi ro và (iii) rủi ro được phòng ngừa. Khoản mục được phòng ngừa rủi ro bao gồm: tài sản hoặc công nợ được ghi nhận, cam kết chắc chắn chưa được ghi nhận, các khoản đầu tư ròng ở nước ngoài. Công cụ phòng ngừa rủi ro bao gồm: công cụ tài chính phái sinh (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi) và công cụ tiền. Rủi ro được phòng ngừa bao gồm: là rủi ro cụ thể khi có sự thay đổi về giá cả và rủi ro kinh doanh chung không thể phòng ngừa. 

 

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất các khoản mục được phòng ngừa, hoạt động phòng ngừa rủi ro được chia thành 3 loại: Phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý, phòng ngừa rủi ro dòng tiền và phòng ngừa rủi ro khoản đầu tư thuần ở nước ngoài.

 

Phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý được sử dụng để phòng ngừa rủi ro về chênh lệch giá trị hợp lý của các khoản mục như: tài sản hoặc công nợ đã được ghi nhận, cam kết chắc chắn chưa được ghi nhận, ví dụ như chứng khoán vốn sẵn sàng để bán được doanh nghiệp phòng ngừa bằng cách nắm giữ một quyền chọn bán, hay một hợp đồng bán cafe tương lai được phòng ngừa bằng cách ký 1 hợp đồng mua cafe tương lai với mức giá cố định. Đối với phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý, các nguyên tắc hạch toán được áp dụng là:

 

Công cụ phòng ngừa rủi ro được ghi nhận ban đầu trên cân đối kế toán theo giá trị hợp lý. Lãi hoặc lỗ từ công cụ phòng ngừa rủi ro phát sinh từ các thay đổi trong yếu tố được phòng ngừa được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, khoản mục được phòng ngừa rủi ro được đánh giá lại theo những thay đổi trong yếu tố rủi ro được phòng ngừa ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh. Phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý kết thúc khi công cụ phòng ngừa rủi ro hết hạn, được chấm dứt, được thực hiện hoặc các điều kiện phòng ngừa rủi ro không còn thỏa mãn.

 

Phòng ngừa rủi ro dòng tiền được sử dụng để phòng ngừa rủi ro về rủi ro thay đổi những dòng tiền liên quan đến các khoản mục như: một tài sản hoặc công nợ đã được ghi nhận, một dự báo giao dịch khả năng thực hiện cao và một giao dịch tiềm tàng các rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng đến thu nhập ròng trên báo cáo. Ví dụ như doanh nghiệp có 1 khoản vay với lãi suất thả nổi, để hạn chế rủi ro doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất nhận lãi suất thả nổi, trả lãi suất cố định, như vậy doanh nghiệp sẽ hạn chế được rủi ro khi có biến động lớn về lãi suất. Đối với phòng ngừa rủi ro dòng tiền nguyên tắc hạch toán được áp dụng là:


Công cụ phòng ngừa rủi ro được ghi nhận ban đầu trên cân đối kế toán theo giá trị hợp lý. Phần phòng ngừa rủi ro hiệu quả sẽ được ghi nhận vào khoản mục vốn chủ sở hữu trên cân đối kế toán, và chỉ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh khi dòng tiền từ công cụ được phòng ngừa rủi ro được xác định và ghi nhận vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên phần phòng ngừa rủi ro không hiệu quả sẽ được ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh. Phương pháp hạch toán phòng ngừa rủi ro dòng tiền sẽ ngừng được áp dụng khi (i) công cụ phòng ngừa rủi ro hết hạn, được bán , hủy bỏ giữa chừng, hoặc được thực hiện và (ii) công cụ phòng ngừa rủi ro không đáp ứng được yêu cầu của phương pháp hạch toán phòng ngừa rủi ro như khả năng thực hiện giao dịch dự đoán rất thấp hoặc mức độ hiệu quả nằm ngoài mức 80-125%; Ban Giám đốc hủy bỏ chỉ định dùng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro.

 

Phòng ngừa rủi ro khoản đầu tư thuần tại nước ngoài được sử dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư thuần tại nước ngoải, trong đó đơn vị tiền tệ kế toán ở nước sở tại khác với đơn vị tiền tệ được sử dụng trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Rủi ro hối đoái xảy ra khi quy đổi và hợp nhất tài sản thuần tại nước ngoài sang đơn vị tiền tệ được sử dụng trên báo cáo tài chính.

 

Phương pháp kế toán phòng ngừa rủi ro các khoản đầu tư ròng ở cơ sở nước ngoài, bao gồm phòng ngừa rủi ro các khoản mục tiền trong đầu tư ròng được ghi nhận tương tự như đối với phòng ngừa rủi ro dòng tiền, lãi lỗ của công cụ phòng ngừa rủi ro được đánh giá có hiệu quả sẽ được ghi nhận trong thu nhập khác, chênh lệch hối đoái phát sinh từ việc quy đổi kết quả và tình hình tài chính của cơ sở ở nước ngoài cũng được ghi nhận là khoản thu nhập khác, phần không hiệu quả sẽ được ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh.

 

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là chuyển mình từ mô hình nền kinh tế thị trường đã có tác động đáng kể đến các hoạt động của các doanh nghiệp, song hành cùng với nền kinh tế thị trường những biến động bất lợi của thị trường đã nảy sinh nhu cầu tìm kiếm và lựa chọn các công cụ tài chính để phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên việc phát triển các công cụ này còn có những hạn chế sau đây:

 

Thứ nhất, việc phát triển của nền kinh tế thị trường của Việt Nam còn rất hạn chế, thị trường công cụ tài chính phát sinh tại Việt Nam chưa phát triển, mặc dù nhu cầu phòng ngừa rủi ro có nhiều nhưng thiếu các định chế tài chính cung cấp các sản phẩm dịch vụ liên quan và cũng như thiếu các nhà đầu cơ. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng rất nhỏ, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2010 đã có 107 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,926 tỷ USD. 

 

Thứ hai, doanh nghiệp còn thiếu tư duy và nhận thức về vai trò của hoạt động phòng ngừa rủi ro và những giải pháp hạn chế tác động ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mức độ tham gia thị trường vốn của các doanh nghiệp chưa lớn, các nhà quản trị doanh nghiệp chưa có nhu cầu và cũng chưa có hiểu biết nhiều về bản chất của các loại công cụ tài chính phái sinh.

 

Thứ ba, chúng ta còn thiếu các cơ chế chính sách làm cơ sở pháp lý và là hướng dẫn cho việc phát triển các công cụ tài chính, kể cả những hướng dẫn về kế toán cho việc ghi nhận hoạt động phòng ngừa rủi ro.

 

Thứ tư, chi phí giao dịch có liên quan để mua/ bán/ giao dịch công cụ tài chính phái sinh còn cao ...vv.

 

Như đã trình bày ở trên, mặc dù hoạt động phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp ở Việt Nam còn có những hạn chế nên chúng ta cần sớm thiết lập những cơ sở cho việc ghi nhận, đánh giá liên quan đến hoạt động phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp. Qua nghiên cứu thực trạng các hoạt động phòng ngừa rủi ro, kế toán hoạt động phòng ngừa rủi ro tại các doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy, để có thể vận dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán phòng ngừa rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta phải xem xét đến các vấn đề sau đây:

 

Một là, sự thừa nhận về khái niệm giá trị hợp lý trong các chính sách kế toán đối với các doanh nghiệp thay vì áp dụng cứng nhắc các nguyên tắc giá gốc.

 

Hai là, cần có sự hướng dẫn bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta thiếu một thị trường hoạt động để đánh giá và đo lường những ảnh hưởng của thị trường.

 

Ba là, sự thừa nhận và là yêu cầu bắt buộc của xã hội nói chung và các nhà đầu tư nói riêng với các hoạt động phòng ngừa rủi ro trong các doanh nghiệp, để hoạt động phòng ngừa rủi ro có được vai trò và vị trí quan trọng trong các chính sách mà doanh nghiệp phải đề cập và sử dụng./.

 


Nguồn: sav.gov.vn

Sưu tầm: Duy Phương - P. KT

zalo

Đặt hàng online

zalo